Trung Quốc hiện thực hóa ý tưởng tàu siêu tốc ‘điên rồ’ của Elon Musk: ‘Bay’ trên mặt đất với tốc độ 1000km/h, nhanh hơn cả máy bay dân dụng
- 25/04/2023
Trung Quốc đã dẫn đầu về công nghệ đường sắt cao tốc và việc đầu tư vào công nghệ hyperloop có thể giúp duy trì vị thế dẫn đầu toàn cầu về đổi mới giao thông vận tải.
Các cơ quan chuyên môn về đường sắt và kỹ thuật hàng đầu của Trung Quốc khẳng định, nước này có thể sẽ xây dựng tuyến đường sắt hyperloop đầu tiên giữa Thượng Hải và Hàng Châu. Theo đó, một đường hầm chân không dài 150 km (93 dặm) sẽ cho phép tàu đệm từ di chuyển với tốc độ lên tới 1.000 km/h (621 dặm/giờ) – nhanh hơn cả tốc độ của máy bay dân dụng (640 – 965 km/h)
Các nhà khoa học tham gia vào dự án cho biết, Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và các cơ quan đường sắt đã tiến hành “đánh giá toàn diện các địa điểm xây dựng tiềm năng cho tuyến đường sắt trình diễn hệ thống đệm từ siêu tốc”. Theo đó, hai thành phố giàu có nhất ở bờ biển phía đông Trung Quốc đã được lựa chọn.
Theo SCMP, học viện Kỹ thuật Trung Quốc chịu trách nhiệm cung cấp tư vấn khoa học và công nghệ cho chính phủ Trung Quốc. Các nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu của học viện này sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành, thiết kế và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của Trung Quốc. Nhóm đánh giá do Zhang Yunjiao, một kỹ sư cao cấp của Tập đoàn tư vấn và thiết kế kỹ thuật đường sắt Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước ở Bắc Kinh, dẫn đầu.
Hệ thống tàu đệm từ trường chạy trong đường ống với tốc độ cực cao – thường được gọi là hyperloop – lần đầu tiên được đề xuất bởi tỷ phú công nghệ Elon Musk vào năm 2013. Hệ thống giao thông được coi là tương lai này sử dụng các đường ống chân không để vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã đánh giá rất cao ý tưởng này vì nó có tiềm năng cách mạng hóa giao thông vận tải và cung cấp một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn để di chuyển người và hàng hóa. Theo nhóm đánh giá, Trung Quốc đã dẫn đầu về công nghệ đường sắt cao tốc và việc đầu tư vào công nghệ hyperloop có thể giúp duy trì vị thế dẫn đầu toàn cầu về đổi mới giao thông vận tải.
Zhang và các đồng nghiệp cho biết trong báo cáo đánh giá rằng, dự án hyperloop “có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc”. Theo dự kiến, hệ thống đường sắt hyperloop của Trung Quốc dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2035.
Một số tuyến ứng cử viên đã cạnh tranh cho dự án hyperloop ở Trung Quốc, bao gồm các tuyến Bắc Kinh-Thạch Gia Trang, Quảng Châu-Thâm Quyến và Thành Đô-Trùng Khánh. Theo nhóm của Zhang, mỗi địa điểm đều có những lợi thế riêng. Tiềm năng kinh tế của mỗi tuyến được đánh giá theo các yếu tố như mật độ dân số, hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng giao thông hiện có.
Quá trình đánh giá cũng bao gồm việc xem xét tính khả thi về kỹ thuật, tác động xã hội, hỗ trợ chính trị như chính sách của chính phủ và khả năng tài trợ cũng như khả năng tích hợp với cơ sở hạ tầng giao thông hiện có. Theo báo cáo, tuyến Hàng Châu-Thượng Hải sẽ khả thi và có lợi nhất để Trung Quốc theo đuổi.
Tuyến đường này được đánh giá là có tiềm năng kinh tế lớn do mật độ dân số cao và hoạt động kinh tế sôi động ở cả hai thành phố, đồng thời với địa hình tương đối bằng phẳng nên có tính khả thi kỹ thuật tốt. Báo cáo cho biết một dự án như vậy cũng sẽ có tác động xã hội tích cực bằng cách thúc đẩy hội nhập khu vực giữa Thượng Hải và Hàng Châu. Đây cũng đều là những thành phố lớn ở Trung Quốc với ý nghĩa kinh tế và văn hóa mạnh mẽ.
Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc tính theo dân số, là trung tâm tài chính toàn cầu và là nơi đặt nhà máy sản xuất ô tô Tesla lớn nhất thế giới do Musk điều hành. Hàng Châu, nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên, là trung tâm của các công ty thương mại điện tử như Alibaba.
Với khoảng cách 200 km, việc di chuyển bằng ô tô giữa các thành phố mất khoảng ba giờ, hoặc khoảng một giờ bằng đường sắt cao tốc. Nhưng theo một số ước tính, một tuyến hyperloop có thể cắt giảm chuyến đi xuống còn khoảng 15 phút.
Chỉ trong vòng 15 năm, Trung Quốc đã xây dựng đủ đường sắt cao tốc đi vòng quanh Trái đất. Một số chuyên gia kỹ thuật nói rằng kinh nghiệm có thể được tận dụng để đẩy nhanh việc xây dựng một hyperloop.
Mạng lưới đường sắt cao tốc rộng lớn của Trung Quốc đòi hỏi đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển, chuyên môn kỹ thuật và sản xuất tiên tiến. Các chuyên gia trong ngành cho biết những nguồn lực tương tự này có thể được áp dụng cho sự phát triển của công nghệ hyperloop. Họ cho biết kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc xây dựng đường sắt cao tốc cũng mang lại những bài học quý giá về quản lý dự án, hậu cần và an toàn. những kinh nghiệm này cũng có thể được áp dụng trong các dự án hyperloop.
Việc phát triển công nghệ cần thiết cho hệ thống hyperloop vẫn đang ở giai đoạn đầu và trước khi có thể triển khai trên quy mô lớn, cần phải vượt qua nhiều thách thức kỹ thuật khó khăn. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho một hệ thống hyperloop – bao gồm các đường ống áp suất thấp và các trạm chuyên dụng – sẽ cần đầu tư và chuyên môn đáng kể.
Những thách thức pháp lý và quy định còn ở phía trước. Hiện tại không có quy định nào cho hoạt động của các hệ thống hyperloop. Tốc độ cao được yêu cầu đối với việc di chuyển bằng hyperloop cũng có nghĩa là sự an toàn cũng sẽ là mối quan tâm chính cần được đáp quá thông qua quá trình thử nghiệm và phát triển nghiêm ngặt.
Tham khảo SCMP